Ảnh: Anh Tú
Dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian dài, công tác giáo dục và đào tạo của nhà trường phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Tập thể cán bộ giáo viên và nhân viên trong toàn trường luôn ghi nhớ thực hiện đúng chủ trương cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”.
Toàn trường hiện có 37 CBGVNV, do tác động dịch covid - 19, các giáo viên đã nhanh chóng cập nhật các phần mềm mới, chú trọng vào việc xây dựng ngân hàng bài giảng điện tử. Công tác giảng dạy và tương tác với học sinh, phụ huynh thông qua các hình thức online.
Ông Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Long Biên cho biết: “Với phương châm là các em dừng đến trường chứ không dừng học, nhà trường đã chủ động ứng dụng những công nghệ, phần mềm để đưa các bài giảng lý thuyết và cả thực hành đến cho người học, đảm bảo tiến độ đào tạo không bị gián đoạn. Trên cơ sở đó, đội ngũ giáo viên nhà trường cũng thích ứng với chương trình, những kỹ năng để ứng dụng phần mềm, kiểm tra kiểm soát quá trình học tập của học sinh – sinh viên. 7 tháng qua học sinh đã liên tục phải học online, trong quá trình đó nhà trường cũng giữ mối liên hệ rất chặt chẽ với phụ huynh học sinh, để cùng động viên, khích lệ các con tham gia học tập đầy đủ. Mong muốn để học sinh được đến trường, được giao lưu, gặp gỡ trong môi trường an toàn là điều rất cần thiết trong lúc này. Với đặc thù của đào tạo giáo dục nghề nghiệp, các modul thực hành chiếm đa số, nên việc rèn kỹ năng thực tế cho học sinh là rất cần thiết trước khi tốt nghiệp.”
Việc chuyển từ hình thức đào tạo trực tiếp sang trực tuyến, chính người thầy có vai trò dẫn dắt, thực hiện quá trình chuyển đổi này. Yêu cầu đối với nhà giáo cũng ngày một cao hơn, không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực tiễn nghề nghiệp trong từng tiết giảng. Vượt qua những khó khăn trở ngại, các giáo viên của trường đã nhanh chóng chuyển đổi số và đổi mới phương pháp giảng dạy.
Cô Nguyễn Thị Vân Khánh – Phó Trưởng Khoa Kinh tế - Du lịch chia sẻ: “Khi dịch bệnh diễn ra, các thầy cô phải tìm mọi phương pháp, tìm mọi nguồn thông tin, kiến thức để làm sao các học sinh hiểu bài nhất. Trong thời gian đó chính giáo viên cũng học hỏi được các kiến thức để sử dụng phần mềm và ứng dụng tốt hơn. Điều này sẽ giúp hỗ trợ rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy hơn nữa trong thời gian tới.
Hiện tại, học sinh, sinh viên của trường tham gia 100% giờ học online trên ứng dụng ZOOM. Trao đổi với giáo viên và các bạn cùng lớp thông qua các nền tảng mạng xã hội: zalo, email, facebook… Thanh tra đảm bảo chất lượng thi lần 1, lần 2 trong năm học 2020-2021 bằng hình thức thi online trên ứng dụng ZOOM và SHUB.
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga – Giáo viên Khoa May và Thiết kế thời trang chia sẻ: “Chúng tôi giảng dạy qua hai phương thức, thứ nhất là dạy qua zoom để hướng dẫn sinh viên về kỹ năng. Sau đó đăng bài giảng dạy lên trang web của nhà trường để sinh viên có thể xem đi xem lại nhiều lần và thực hành theo yêu cầu của bài tập đó. 100% sinh viên có thể thực hiện được theo đúng quy trình giảng dạy của giáo viên, trong đó có 60-65% sinh viên làm được hơn khả năng yêu cầu. Đặc biệt có khoảng 30% sinh viên có thể so sánh với thực tiễn sản xuất để đưa ra những nhận định, cũng như làm các bài báo cáo đánh giá của mình. Chúng tôi luôn xây dựng những chương trình mới để khi sinh viên quay trở lại trường sẽ có hứng thú hơn trong quá trình học tập.”
Một ngày kỷ niệm hiến chương các nhà giáo 20/11 đặc biệt nhất từ trước đến nay. Nhưng hoàn cảnh khách quan có diễn ra như thế nào, các thầy cô giáo vẫn luôn là những người lái đò thầm lặng, chở những chuyến đò tri thức cập bến an toàn. Nghề giáo vẫn luôn là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, vinh dự và tự hào với sự nghiệp trồng người.