TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ LONG BIÊN

KHÓA HỌC: “TRANG TRÍ HOA VĂN DÂN TỘC TRÊN ĐỒ VẢI” - SÁNG TẠO TỪ NHỮNG GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của BGH Nhà trường, khoa May và TKTT đã phối hợp phòng Đào tạo tổ chức khóa học “Trang trí hoa văn dân tộc trên đồ vải”. Khóa học được thực hiện với sự giảng dạy của Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi - Hiện đang công tác tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Khóa học bắt đầu từ ngày 28/12/2016 đến 30/12/2016, với mục đích định hướng, cung cấp cho sinh viên nghề Thiết kế thời trang góc nhìn thực tiễn về những hoa văn trên trang phục của các dân tộc Việt Nam, từ đó có thể chọn lọc và áp dụng vào thiết kế của mình góp phần giữ gìn những nét truyền thống của dân tộc.

Phát biểu khai mạc khóa học, cô Trần Quý Dân - Phó hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: “Khóa học này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà trường đối với các thế hệ sinh viên nghề Thiết kế thời trang, mục đích trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng vận dụng, cách điệu những nét hoa văn Dân tộc để phát triển thành những sản phẩm mang đậm màu sắc truyền thống kết hợp thời trang ứng dụng phù hợp với xu thế. Đối với những ý tưởng thiết kế lấy cảm hứng trên trang phục dân tộc thì không thể sao chép nguyên hay cóp nhặt một cách máy móc những mẫu hình đó vào thiết kế. Cần phải đưa tinh thần thời trang trong những tư liệu đó, cũng như những giá trị chân thực của chúng để ứng dụng trong những thiết kế hiện đại. Có như vậy, những ý tưởng thiết kế mới luôn luôn vươn tới tầm cao của thời đại.”. Cô cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm để các thiết kế có được tính ứng dụng nhưng vẫn mang đậm phong cách riêng.

Khóa học được giảng viên khái quát trong bốn buổi học lý thuyết và một buổi thực tế, với những kiến thức cơ bản về trang phục, đời sống văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Giảng viên nhấn mạnh đến tính ứng dụng của các trang phục dân tộc trong cuộc sống hiện tại, phương pháp cách điệu các hoa văn vào các sản phẩm, thiết kế của mình. Các bạn còn được cùng nhau thể hiện cá tính, làm việc nhóm khi thêu các hoa văn của dân tộc trên các sản phẩm mang tính ứng dụng: túi đựng điện thoại, ví, gối, túi, vật dụng trang trí…

Đặc biệt, trong buổi tham quan thực tế tại  Bảo tàng Dân tộc học các bạn đã có những trải nhiệm thực tế với những hình ảnh đặc trưng của các dân tộc Việt Nam và các dân tộc các nước khu vực Đông Dương.

Bạn Nguyễn Đăng Tùng chia sẻ: “Mỗi dân tộc có một nét văn hóa, bản sắc riêng biệt. Chúng em được khám phá cả một kho tàng văn hóa, nghệ thuật phong phú, đa dạng. Tất cả những kiến thức đó chúng em sẽ nghiên cứu để sáng tạo, làm nên những thiết kế mang đậm tính dân tộc, góp phần lưu giữ những nét truyền thống Việt Nam”.

Kết thúc khóa học, giảng viên Vũ Hồng Nhi cho biết: “Các bạn sinh viên nghề Thiết kế thời trang của LBC thật sự đam mê với nghề, với những giá trị văn hóa của dân tộc. Các bạn thể hiện tinh thần làm việc nhóm, sự sáng tạo rất tốt -  đó là những tố chất ban đầu để tạo nên một nhà thiết kế thành công”.

(Hình ảnh: Sản phẩm handmade của các sinh viên sau khóa học)

Trong thời đại giao thoa giữa các nền văn hóa hiện nay, những luồng thông tin đa chiều xuyên địa cầu đang có nguy cơ làm xóa nhòa biên giới quốc gia, và làm lu mờ những nét đặc thù riêng của mỗi dân tộc. Để có thể giữ được những nét văn hóa đặc thù, từng dân tộc đang cố gắng thúc đẩy chính sách sưu tầm, lưu trữ, bảo tồn và phát triển vốn văn hóa cổ truyền nói chung và trong lĩnh vực thời trang nói riêng. Đây chính là cơ hội, cũng là những thách thức lớn cho nghệ thuật sáng tạo, tạo ra những ý tưởng thiết kế tươi mới, vừa kế thừa những tinh hoa trong truyền thống, vừa bắt kịp xu thế hội nhập trên toàn thế giới.

Khóa học thực sự đã tạo được sự hứng thú cho các bạn sinh viên nghề Thiết kế thời trang. Với sự đam mê thời trang bất tận, sự sáng tạo không ngừng các bạn sẽ thành công với những thiết kế đặc sắc mang âm hưởng dân tộc và có tính ứng dụng cao. Nhà trường, thầy/cô  sẽ luôn tạo nguồn cảm hững và cơ hội để các em phát triển. Chúc cho các ước mơ của các bạn sinh viên trở thành hiện thực.

Ngày 06/01/2017

Vũ Thị Thoi - Phòng Đào tạo